Ngày 7/3, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo từ Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua, đề ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho thời gian tới.
Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Quảng Nam đã đưa gần 4.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt hơn 131% kế hoạch. Các thị trường chính bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào và Đài Loan (Trung Quốc)…
Chương trình thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ đã được triển khai tại huyện Nam Trà My, với 64 lượt lao động sang làm việc tại tỉnh Gyeongsang Nam (Hàn Quốc). Huyện Bắc Trà My và thành phố Tam Kỳ cũng đang xúc tiến triển khai chương trình này.
Theo ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, số lượng lao động tỉnh Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn này đã tăng so với giai đoạn trước. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 có hơn 4.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trung bình mỗi năm 870 lao động; đến giai đoạn 2022-2024, con số này đã tăng lên trung bình 1.530 lao động mỗi năm, tăng hơn 175%.
Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân 36 tỷ đồng cho gần 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thông qua nguồn vốn cho vay hỗ trợ.
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đạt và vượt chỉ tiêu đưa 6.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong giai đoạn 2022-2025, đạt 120% kế hoạch đề ra. Riêng năm 2025, tỉnh phấn đấu đưa 1.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Quí Quý cũng thừa nhận rằng công tác này vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Số lao động đi làm việc chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; trình độ chuyên môn, tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của một số thị trường có yêu cầu cao như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp dịch vụ chưa chặt chẽ, đồng bộ. Số lao động được vay vốn tín dụng chính sách hỗ trợ còn thấp so với số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm của tỉnh.
Có tình trạng người lao động phải về nước trước thời hạn, gặp khó khăn trong việc hoàn trả vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Số lượng người sau khi làm việc ở nước ngoài về nước khởi nghiệp thành công chưa nhiều.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ghi nhận những điểm sáng trong công tác đưa lao động đi nước ngoài làm việc của Sở Nội vụ và các ngành liên quan.
Để khắc phục những bất cập, ông đề nghị Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá, rà soát lại những chương trình đã triển khai và nhân rộng những chương trình có hiệu quả.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh việc nắm chắc lợi thế, tiềm năng của các thị trường lao động nước ngoài để có kế hoạch, phương án triển khai phù hợp, hiệu quả; xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, ngành, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quảng Nam cũng yêu cầu tổ chức rộng rãi các phiên giao dịch việc làm, đưa các phiên chợ giao dịch việc làm về đến xã; tạo điều kiện để người lao động biết và tiếp cận được các nguồn vốn vay hỗ trợ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, quan tâm đời sống người lao động, kịp thời hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn ở nước ngoài.