Các cổ vật được nghiên cứu kỹ lưỡng tại Phòng thí nghiệm Khảo cổ học Pleistocene của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (Ảnh: CSIC).
Mới đây, các nhà khảo cổ học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha công bố nghiên cứu về việc tìm thấy những công cụ cổ xưa, có niên đại 1,5 triệu năm ở Hẻm núi Olduvai, Tanzania. Họ nhận định, những cổ vật này do Homo habilis, một loài người cổ đại, tạo ra và sử dụng.
Điều đáng nói là chúng dường như được chế tác từ xương voi và hà mã, cho thấy tổ tiên loài người có thể đã phát triển công nghệ tinh vi hơn nhiều so với những gì mà chúng ta từng nghĩ trước đây.
Những bằng chứng cho thấy, nền văn hóa Oldowan, vốn chỉ được biết đến với việc sử dụng công cụ bằng đá có niên đại từ 2,5 triệu năm trước, không chỉ giới hạn trong việc sử dụng đá, mà còn có khả năng kết hợp các nguyên liệu thô khác vào kho công cụ của mình.
“Phát hiện này mở rộng đáng kể hiểu biết của chúng ta về năng lực công nghệ của loài người thời kỳ đầu”, Ignacio de la Torre, nhà khảo cổ học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha, nhận định. “Những công cụ xương này không chỉ là bằng chứng về sự đổi mới trong sản xuất công cụ mà còn cho thấy những tiến bộ quan trọng trong nhận thức và khuôn mẫu tinh thần của tổ tiên chúng ta”.
Theo các tài liệu lịch sử, việc chế tạo công cụ được xem là một bước ngoặt trong tiến trình tiến hóa của loài người. Tại đó, những công cụ đá đầu tiên được tạo ra chủ yếu để lấy tủy và thịt từ động vật sau quá trình săn bắn, giúp cung cấp dinh dưỡng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bộ não.
Tuy nhiên, bằng chứng về việc con người thời kỳ đầu chế tạo công cụ từ xương vẫn còn khá hiếm, chủ yếu xuất hiện trong các địa điểm ở châu Âu có niên đại chỉ khoảng 400.000 đến 250.000 năm trước.
Một số địa điểm trước đây có dấu vết của sừng hoặc ống xương dài từng được sử dụng làm công cụ đào bới, nhưng không có dấu hiệu cho thấy chúng đã bị biến đổi có chủ đích để phục vụ một chức năng cụ thể.
Chính vì thế, phát hiện về công cụ xương 1,5 triệu năm tuổi tại Olduvai đã thách thức quan niệm này.
Ảnh mô phỏng một công cụ làm từ xương voi (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).
Theo nhóm nghiên cứu, các cuộc khai quật tại Hẻm núi Olduvai đã phát hiện hàng ngàn hiện vật bằng đá và xương. Khi kiểm tra kỹ hơn, các nhà khoa học phát hiện có ít nhất 27 mảnh xương có dấu hiệu bị biến đổi một cách có chủ đích. Cụ thể, chúng bị đập vỡ, bẻ gãy và tạo hình để trở thành công cụ sắc nhọn và bền chắc.
Những công cụ này có thể đóng vai trò trong quá trình chuyển đổi công nghệ từ nền văn hóa Oldowan sang nền văn hóa Acheulean, vốn bắt đầu từ khoảng 1,7 triệu năm trước và kết thúc vào khoảng 150.000 năm trước.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác công dụng của những công cụ xương này, nhưng họ suy đoán rằng chúng có thể được dùng để giết mổ hoặc thực hiện các công việc khác trước khi bị thay thế bởi công cụ đá hiệu quả hơn.
Việc sử dụng xương động vật để chế tác công cụ cũng cho thấy sự thay đổi trong cách con người nhìn nhận về động vật, khi cho rằng chúng không chỉ là nguồn thực phẩm, mà còn là nguyên liệu thô phục vụ cho nhu cầu sinh tồn và phát triển công nghệ.
Những phát hiện này không chỉ viết lại lịch sử công nghệ loài người mà còn mở ra nhiều câu hỏi mới về sự tiến hóa của trí tuệ và nhận thức của tổ tiên chúng ta.