Tham vọng chi hơn 860 tỷ USD để tái vũ trang của châu Âu

Estimated read time 9 min read

“Chúng tôi hôm nay đã chứng minh rằng Liên minh châu Âu (EU) đang vượt qua thách thức, xây dựng quốc phòng châu Âu và sát cánh cùng Ukraine”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Antonio Costa cho biết sau khi các lãnh đạo của khối nhất trí về sáng kiến “Tái vũ trang châu Âu” trong hội nghị thượng đỉnh ở Brussels ngày 6/3.

Kế hoạch “Tái vũ trang châu Âu” được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố ngày 4/3, dự kiến huy động 800 tỷ euro (hơn 860 tỷ USD) vì “một châu Âu an toàn và kiên cường”, đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp sát sao với những đối tác trong liên minh quân sự NATO.

Động thái là tín hiệu thay đổi chính sách quan trọng của khu vực, bởi Liên minh châu Âu (EU) vốn tự coi mình là khối vì hòa bình và tự do thương mại, không chú trọng về an ninh hay quân sự. Tuy nhiên, nhiều nước thuộc EU cũng là thành viên NATO và đang đối mặt sức ép ngày càng tăng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về tăng ngân sách quốc phòng, buộc liên minh này phải đưa ra kế hoạch tham vọng hơn.

“Chúng ta đang trong kỷ nguyên tái vũ trang”, bà von der Leyen tuyên bố.

Hình ảnh

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Brussels, Bỉ ngày 3/3. Ảnh: AP

Kế hoạch Tái vũ trang châu Âu gồm 5 phần, bắt đầu với đình chỉ các quy tắc nghiêm ngặt trong Thỏa thuận Ổn định và Tăng trưởng EU để các nước thành viên tự điều chỉnh ngân sách quốc phòng. Thỏa thuận này vốn quy định thành viên EU phải kiểm soát chi tiêu, giữ thâm hụt ngân sách thấp hơn 3% GDP và nợ không quá 60% GDP, nhưng cũng là rào cản ngăn các nước tăng chi tiêu quốc phòng.

“Nếu các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng trung bình thêm 1,5% GDP, chúng ta sẽ huy động được gần 650 tỷ euro (683 tỷ USD) trong 4 năm”, bà von der Leyen nói.

Nhiều quốc gia EU đang chi dưới 2% GDP cho quốc phòng. Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích các thành viên NATO ở châu Âu vì không đạt mức này, dọa rút Mỹ khỏi khối và từ chối bảo vệ họ. Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã kêu gọi các nước thành viên tăng chi tiêu vượt 3% GDP nhanh nhất có thể.

Trong kế hoạch tái vũ trang, EU dự kiến huy động 150 tỷ euro (157 tỷ USD) còn lại bằng một chương trình cho vay, do ngân sách chung của liên minh tài trợ. Chương trình được thực hiện theo cơ chế tự chọn tham gia, nhằm tránh vấp phải sự phản đối từ một số nước như Hà Lan. Công cụ tài chính này cũng phục vụ các chương trình hỗ trợ Ukraine.

Theo các quan chức cấp cao EC, ngân sách này sẽ được huy động trên thị trường vốn. EU sau đó dựa vào một điều khoản khẩn cấp cho phép hỗ trợ nước thành viên trong trường hợp đặc biệt. Kế hoạch cần nhận được đa số phiếu tại Hội đồng châu Âu, rào cản được đánh giá là không quá khó.

Các thành viên EU sẽ sử dụng những khoản vay từ chương trình để đầu tư vào quốc phòng, hướng đến cải thiện năng lực phòng không, tên lửa, pháo binh, công nghệ drone và hệ thống chống drone.

Ba thành tố còn lại trong sáng kiến Tái vũ trang châu Âu tập trung vào điều chỉnh ngân sách và những chính sách chung của EU.

Sáng kiến đề xuất một cơ chế cho phép nước thành viên EU sử dụng quỹ gắn kết để chi tiêu cho quân sự mà không cần đồng thuận thông qua tại khối, đồng nghĩa những quốc gia có ý định phản đối như Hungary và Slovakia không thể chặn sáng kiến. Quỹ gắn kết này vốn dùng để hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn trong liên minh phát triển kinh tế.

EU đặt mục tiêu mở rộng thị trường đầu tư quốc phòng châu Âu, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia để huy động thêm vốn, giúp thúc đẩy tài trợ nghiên cứu, đổi mới và phát triển ngành quốc phòng.

Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) được tạo thêm điều kiện để tài trợ các dự án quốc phòng quy mô lớn, giúp thực hiện kế hoạch mua sắm quân sự, hoạt động mà ngân hàng này đang bị hạn chế.

Hiện chưa rõ tốc độ triển khai của sáng kiến tái vũ trang và Ukraine có thể được hỗ trợ thế nào nếu kế hoạch được EU thông qua.

Nhiều thành viên EU đã thể hiện sự ủng hộ kế hoạch. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi đây là “bước đầu tiên quan trọng” hướng đến “cú nhảy vọt trong tăng cường năng lực quốc phòng EU”. Italy, Bồ Đào Nha, Estonia và Hy Lạp chung quan điểm.

Chủ tịch EC công bố sáng kiến giữa giai đoạn quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang xuất hiện nhiều rạn nứt. Các chính sách hiện nay từ Tổng thống Trump khiến giới lãnh đạo châu Âu suy giảm niềm tin về chiếc ô an ninh của Mỹ.

“Kế hoạch có thể tài trợ hoặc thúc đẩy các khoản mua sắm quốc phòng nhất định”, Camille Grand, thành viên viện chính sách Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, trụ sở Đức, nói với AFP. “Kết quả sẽ rõ ràng hơn trong vài tuần hoặc vài tháng tới, vì đó là lúc các hạn chế của Mỹ bắt đầu có ảnh hưởng”.

Hình ảnh

Xe chiến đấu bộ binh Lynx sản xuất tại công ty Rheinmetall ở Unterluess, Đức tháng 6/2023. Ảnh: Reuters

Giới quan sát đánh giá sáng kiến của bà von der Leyen khá bao trùm và EU có thể nhanh chóng thông qua trong khuôn khổ quy định hiện tại. Tuy nhiên, kế hoạch không đề cập đến cách phối hợp với Anh và Na Uy, hai quốc gia ngoài EU và có năng lực quốc phòng đáng kể.

Tại hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo châu Âu ngày 2/3, Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo thành lập “liên minh thiện chí” để hỗ trợ Ukraine, nhưng sáng kiến “tái vũ trang” của bà von der Leyen không nhắc gì đến nỗ lực này.

Do đó, đề xuất của bà von der Leyen “giống một điểm khởi đầu” cho các thành viên EU tiếp tục thảo luận để hướng tới tham vọng lớn hơn. “Đây là xuất phát điểm, một tín hiệu tốt nhưng chưa tiến xa như chúng ta kỳ vọng”, Maria Martisiute, nhà phân tích quốc phòng tại Trung tâm Chính sách châu Âu, Bỉ, nhận định. “Bà von der Leyen vẫn chưa hạ hết bài trên tay”.

Như Tâm (Theo France 24, EU Today, AP)

source: https://vnexpress.net/tham-vong-chi-hon-860-ty-usd-de-tai-vu-trang-cua-chau-au-4856928.html

Bài viết liên quan

Cùng tác giả