Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Võ Quốc Bảo, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Thượng Lãn Ông (huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh), cho biết, sau khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2, nhà trường đã thực hiện nghiêm.
Cụ thể, trường đã dừng dạy thêm có thu phí, đồng thời tổ chức họp phụ huynh để phổ biến, thông báo kế hoạch dạy học của nhà trường.
Trường THCS Hải Thượng Lãn Ông, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh (Ảnh: Văn Nguyễn).
Năm học này, Trường THCS Hải Thượng Lãn Ông có 4 lớp 9 với tổng số 129 học sinh.
Với các trường THCS, THPT, Thông tư 29 quy định, việc dạy thêm trong nhà trường chỉ dành cho 3 đối tượng học sinh chưa đạt, học sinh giỏi, học sinh cuối cấp; toàn bộ hoạt động dạy thêm này không được thu tiền người học, có thể dạy miễn phí hoặc do nhà trường chi trả từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác.
Việc thực hiện thông tư ngay trong học kỳ II của năm học đã khiến nhiều giáo viên, học sinh và cả phụ huynh của trường băn khoăn, lo lắng, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang đến gần.
Theo thầy Bảo, để chất lượng giáo dục của học sinh lớp 9 không bị ảnh hưởng, nhà trường đã kêu gọi giáo viên dạy thêm cho các em “bằng cái tâm”.
“Trước đây, trong một tuần, mỗi môn học thêm, chúng tôi tổ chức 3 tiết học nhưng giờ giảm xuống 2 tiết để phù hợp với quy định. Bằng nguồn ngân sách chi thường xuyên, trường sẽ hỗ trợ tiền xăng xe cho các thầy cô”, thầy Bảo nói.
Như vậy, từ ngày Thông tư 29 có hiệu lực đến kỳ thi vào tháng 6, theo tính toán, với mức hỗ trợ 100.000-200.000 đồng/buổi/giáo viên, Trường THCS Hải Thượng Lãn Ông sẽ chi ra khoảng 20 triệu đồng.
Thầy Bảo nói rằng, đây chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, hết năm học này, trường sẽ tổ chức họp với lãnh đạo xã, doanh nghiệp để vận động kinh phí.
“Trong Thông tư 29 có cụm từ rất hay là việc tổ chức dạy thêm do nhà trường chi trả từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác. Vì thế, chúng tôi sẽ linh động kinh phí từ quỹ khuyến học, doanh nghiệp hỗ trợ, bằng mọi cách mới giúp được học sinh. Bởi, vùng chúng tôi còn khó khăn, các cháu con nông dân nghèo, việc đi đến trung tâm học thêm ở thị trấn với kinh phí cao là rất khó”, thầy Bảo chia sẻ.
Các trường miền núi ở Hà Tĩnh vận động giáo viên dạy thêm miễn phí cho các em cuối khóa (Ảnh minh họa: Báo Hà Tĩnh).
Cũng tại huyện miền núi Hương Sơn, một hiệu trưởng trường THCS khác cho biết, do đặc thù địa phương còn khó khăn nên nhà trường chưa biết lấy nguồn đâu để chi trả, hỗ trợ thêm công sức cho giáo viên.
Trước mắt, từ khi Thông tư 29 có hiệu lực, trường này đã tổ chức họp phụ huynh để giáo viên nắm được quy định.
Sau đó, nhà trường đã giảm số tiết, số buổi và vận động giáo viên dạy, bồi dưỡng thêm cho học sinh cuối cấp.
“Ngoài dạy trên lớp, giáo viên sẽ cho đề thi mẫu và bài tập nâng cao để các em ôn luyện tại nhà. Sau khi trường vận động, giáo viên đều vui vẻ thực hiện để học sinh của mình nắm vững kiến thức nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới”, vị hiệu trưởng thông tin.
Thời gian qua, tại Hà Tĩnh có hàng nghìn hồ sơ xin đăng ký hộ kinh doanh để tổ chức dạy thêm. Chỉ tính riêng tại thành phố Hà Tĩnh, đại diện Trung tâm Hành chính công thành phố Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã tiếp nhận gần 300 hồ sơ.
Theo quy định, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường cần phải thực hiện các thủ tục khác như báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Nhiều phụ huynh và một số hiệu trưởng tại các trường THCS công lập lo ngại việc tổ chức dạy thêm sẽ “biến tướng”, các giáo viên trường công lập nhờ người thân, chồng hoặc vợ đi đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm để đúng với quy định.