Nghề gian nan
“Mỗi lần đi tuần rừng, chúng tôi phải gùi theo lương thực, đồ dùng thiết yếu để ở lại dài ngày. Không ít lần gặp các đối tượng phá rừng, săn bẫy thú, chúng tôi khuyên ngăn, tuyên truyền lại bị họ đuổi đánh”, chị Hồ Thị Men trải lòng.
Chị Men là Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị).
Chị Hồ Thị Men đã có hơn 7 năm gắn bó với công việc bảo vệ rừng (Ảnh: Nhật Anh).
Chị Men cùng một số người dân trong thôn đăng ký tham gia hoạt động giữ rừng vào năm 2019. Tổ của chị Men có 7 nam, 3 nữ và chị được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng, được phân công bảo vệ 1.150ha rừng.
Do rừng ở nhiều khu vực khác nhau, do đó chị Men và các tổ viên phải tuần tra, kiểm soát thường xuyên, không chỉ vào mùa nắng mà cả trong điều kiện thời tiết khó khăn.
Rừng thiêng, nước độc, đủ mối hiểm họa chực chờ càng thành thử thách gian nan với phụ nữ. Những chuyến tuần rừng của chúng tôi thường kéo dài 1-2 ngày, có khi 5-6 ngày, mỗi ngày phải cuốc bộ hàng chục km, ăn ngủ trong rừng”, chị Men chia sẻ.
Chị Hồ Thị Thế (SN 1987, trú thôn Tà Lao) cũng có hơn 7 năm kinh nghiệm trong việc giữ rừng. Nhiệm vụ của chị Thế và các tổ viên là kịp thời ngăn chặn hành vi phá rừng, săn bắn động vật, phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ rừng.
“Công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe, sự kiên trì và kinh nghiệm đi rừng. Giữa những cánh rừng bạt ngàn, nếu không cẩn thận có thể đi lạc, thậm chí đối mặt với mối nguy hại từ các loài động vật có độc”, chị Thế tâm sự.
Động lực vượt khó
Gian nan, vất vả là thế, nhưng với chị Men, chị Thế và các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng thôn Tà Lao, họ chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ công việc đã gắn bó nhiều năm qua.
Chị Men, chị Thế và các tổ viên đang nỗ lực mỗi ngày để giữ màu xanh của rừng (Ảnh: Nhật Anh).
Các thành viên của tổ bảo vệ rừng vẫn nỗ lực mỗi ngày để hoàn thành nhiệm vụ, bởi lẽ, rừng là nguồn sống của người đồng bào Vân Kiều, nhờ rừng mà họ có thêm phần thu nhập.
“Nói vậy chứ đi mãi rồi cũng quen, chúng tôi thuộc gần như mọi lối mòn, từng khu vực trong rừng, chỉ cần có thay đổi hay dấu hiệu lạ là biết ngay. Với tinh thần trách nhiệm và sự hỗ trợ của cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Tôi luôn động viên các tổ viên làm tốt công việc”, chị Men cho hay.
Cũng theo chị Men, bản thân chị và các thế hệ người Vân Kiều ở huyện Đakrông sinh ra và lớn lên đều gắn bó với rừng, được rừng che chở, bao bọc. Do đó người đồng bào luôn nâng cao tinh thần bảo vệ những cánh rừng như bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Ông Lê Văn Phan Tuấn, cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, cho biết, đơn vị đang khoán rừng cho 16 cộng đồng và nhóm hộ gia đình theo các nguồn kinh phí khác nhau để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh tuần tra, bảo vệ rừng, chị Men cùng các tổ viên còn thường xuyên tuyên truyền bà con dân bản không xâm hại rừng, săn bắn động vật (Ảnh: Nhật Anh).
Theo ông Tuấn, công việc bảo vệ rừng khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm, nhưng các tổ bảo vệ rừng cộng đồng đang làm rất tốt, đặc biệt là những tổ viên là phụ nữ. Ngoài đi tuần tra bảo vệ rừng, chị em còn phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách bảo vệ rừng đến bà con ở các bản làng.
“Là phụ nữ nhưng các chị giỏi lắm! Không chỉ trực tiếp giữ rừng, các chị còn làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục thành công rất nhiều đối tượng khai thác rừng trái phép, đặt bẫy chim, thú. Các chị đều là những cán bộ cơ sở năng động, nhiệt tình và rất được bà con quý mến, tôn trọng”, anh Tuấn nói.
Ông Hồ Viết Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, cho biết, hiện có rất nhiều hộ gia đình, cá nhân người đồng bào dân tộc tham gia các nhóm, tổ bảo vệ rừng.
Đây chính là lực lượng nòng cốt, “cánh tay đắc lực” chung sức cùng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, giữ màu xanh cho hơn 40.000ha rừng.