Binh sĩ Mỹ tại một căn cứ của Đức (Ảnh: NPR).
Telegraph dẫn nguồn thạo tin cho biết, ông Trump đang xem xét việc rút khoảng 35.000 binh sĩ đang đóng quân tại Đức, một động thái có thể làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Mỹ và châu Âu.
Tổng thống Mỹ, người đã nhiều lần cảnh báo rằng châu Âu phải chi nhiều hơn cho năng lực quốc phòng, ngày càng cảm thấy không hài lòng trước việc châu lục này “đang thúc đẩy chiến sự tiếp diễn”.
Hiện có khoảng 160.000 quân nhân Mỹ đóng quân bên ngoài nước Mỹ, trong đó một số lượng lớn được triển khai ở Đức.
Người phát ngôn an ninh quốc gia Mỹ Brian Hughes nói: “Mặc dù chưa có thông báo cụ thể nào sắp được đưa ra, quân đội Mỹ luôn xem xét việc tái triển khai quân đội trên khắp thế giới để đối phó tốt nhất với các mối đe dọa hiện tại đối với lợi ích của chúng ta”.
Telegraph cho biết, ông Trump dường như đang cân nhắc tái triển khai quân đội từ Đức sang Hungary, quốc gia duy trì quan điểm trung lập trong chiến sự Nga – Ukraine.
Tại hội nghị khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels vào tuần này, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã phủ quyết cam kết tăng cường hỗ trợ Ukraine, trong khi tất cả các quốc gia thành viên khác đều ký kết thỏa thuận này.
Ông Orbán từ lâu phản đối các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow, cho rằng những động thái này chỉ khiến cho châu Âu suy yếu.
Ông Trump đang cân nhắc tái bố trí quân đội Mỹ tại châu Âu, tập trung vào các quốc gia thuộc NATO có mức chi tiêu quốc phòng cao hơn theo tỷ lệ GDP.
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các nước NATO vì không đạt được mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng, cho rằng điều này đặt gánh nặng không công bằng lên vai nước Mỹ.
Vào hôm 6/3, ông gợi ý rằng Mỹ có thể không bảo vệ các đồng minh NATO không đáp ứng được mức chi tiêu yêu cầu.
“Tôi nhận thấy rằng các nước không thanh toán phần đóng góp của mình. Tôi đã nói rằng nếu các bạn không trả tiền, chúng tôi sẽ không tham gia. Chúng tôi sẽ không bảo vệ các bạn”, ông Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã ra lệnh rút gần 12.000 binh sĩ khỏi Đức, nơi Mỹ có nhiều căn cứ quân sự lớn, bao gồm Căn cứ Không quân Ramstein, trụ sở Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này sau đó đã bị ông Joe Biden đảo ngược do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội.
Trước Hội nghị An ninh Munich, Chủ tịch hội nghị Christoph Heusgen đã cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ thông báo rút một số lượng lớn binh sĩ khỏi châu Âu.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cũng đề xuất rằng Mỹ nên xem xét lại sự hiện diện quân sự ở Đức.
Vào tháng 1, có thông tin cho rằng ông Trump muốn giảm 20% quân số Mỹ tại châu Âu và yêu cầu các nước đóng góp tài chính cho việc duy trì quân đội Mỹ tại khu vực này.
Châu Âu, từ lâu đã lo ngại rằng ông Trump có thể cắt đứt cam kết của Mỹ với lục địa này, đã tổ chức một ngày hội nghị khẩn cấp vào hôm 6/3 nhằm tăng cường an ninh.
Hai mươi quốc gia có thể tham gia kế hoạch của Thủ tướng Anh Keir Starmer về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine như một phần của thỏa thuận hậu chiến.
Các quan chức Anh cho biết nhóm quốc gia này, bao gồm phần lớn các đối tác châu Âu, đã tổ chức một vòng đàm phán mới về chiến lược này.
Anh và Pháp đang dẫn đầu nỗ lực thành lập một “liên minh sẵn sàng” triển khai quân đội để duy trì bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 3 năm giữa Nga và Ukraine.
Tại Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tiếp tục cam kết ủng hộ Ukraine bất chấp sự phản đối của Hungary.
Tuyên bố chung của EU nhấn mạnh: “Để đạt được hòa bình thông qua sức mạnh, Ukraine cần ở trong vị thế mạnh nhất có thể, với một quân đội và năng lực phòng thủ vững chắc là yếu tố cốt lõi.
Liên minh châu Âu cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị, tài chính, kinh tế, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cho Ukraine và nhân dân nước này, phối hợp với các đối tác và đồng minh có cùng chí hướng”.