Tình trạng thừa cân, béo phì gia tăng rất nhanh ở Việt Nam
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng từ năm 2010 tới năm 2020 cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì tại nước ta đang gia tăng nhanh chóng.
Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì đã tăng từ 5,6% năm 2010 lên 11% năm 2020. Tương tự ở trẻ 5-19 tuổi, tỷ lệ này tăng từ 8,5% lên 19%, tăng gấp đôi trong 10 năm. Đặc biệt, tại TPHCM cứ 2 trẻ sẽ có 1 trẻ bị thừa cân, béo phì.
Tương tự, ở người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng 30% trong 6 năm, từ 15,6% năm 2015 lên 19,5% năm 2020.
Thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân (Ảnh: H.B).
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, trẻ em là tương lai của đất nước, vì thế chúng ta rất cần quan tâm đến vấn đề thừa cân béo phì. Nếu cứ để tốc độ này thì sau 10 năm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường sẽ tăng gấp đôi.
WHO cũng nhấn mạnh, tỷ lệ béo phì đáng lo ngại vì tình trạng này có liên quan đến rất nhiều tình trạng bệnh lý khác. Béo phì khiến con người gặp phải tình trạng kháng insulin, vốn là nền tảng của nhiều loại bệnh tật và thúc đẩy bệnh tiến triển.
Béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên có hại cho quá trình trao đổi chất trong tương lai và có thể làm giảm tuổi thọ của một người nhiều năm. Đó là một vấn đề nghiêm trọng.
Có nhiều yếu tố góp phần dẫn đến trẻ bị thừa cân béo phì. Trong đó, tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát có đường, được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em.
Ở Việt Nam, việc tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng nhanh trong những năm gần đây.
Số liệu của Euromonitor 2023 cho thấy tổng tiêu thụ nước giải khát có đường (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) đã tăng 4 lần từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023. Tiêu thụ tính trên đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, tăng 3,5 lần từ mức 18 lít/người năm 2009, lên 66 lít/người năm 2023.
Theo Cục Y tế Dự phòng, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Mức này cũng cao gần gấp đôi so với ngưỡng đường có lợi cho sức khỏe (<25g/ngày cho một người trưởng thành có khẩu phần 2000 kcal/ngày).
Đường trong đồ uống có đường là dạng lỏng (bao gồm glucose và fructose) được hấp thụ trực tiếp vào máu một cách nhanh chóng nên được dung nạp nhanh. Điều này khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa dung nạp để gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách mà cơ thể phản ứng với lượng calo từ thức ăn dạng đặc.
Do vậy, người sử dụng không có cảm giác no và vẫn tiếp tục nạp năng lượng vào một cách không kiểm soát dẫn tới dư thừa năng lượng, từ đó dẫn đến tình trạng dư thừa calo.
Đường fructose (loại đường phổ biến được thêm vào đồ uống có đường) làm tăng quá trình sinh nhiệt, tăng triglyceride (chất béo trung tính), kích thích tiêu thụ oxy nhiều hơn so với đường glucose, nhưng lại tạo ra các kích thích insulin nhỏ hơn rất nhiều.
Hậu quả làm cản trở quá trình chuyển hóa glucose, tăng tích tụ mỡ ở gan và nhiều bộ phận khác trong cơ thể, dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ và thừa cân, béo phì.
Vì thế, việc tăng tiêu thụ đồ uống có đường dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng gây thừa cân, béo phì nhưng lại thiếu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể do năng lượng từ đồ uống có đường là năng lượng rỗng.
Người lớn uống 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng 1 năm có thể làm tăng tới 6,75kg cân nặng (nếu giữ nguyên mức dung nạp năng lượng từ các nguồn thực phẩm khác).
Trẻ em uống nhiều đồ uống có đường thường xuyên có nguy cơ bị béo phì >2,57 lần so với những trẻ không uống.
Áp thuế đồ uống có đường để giảm thừa cân, béo phì và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường (trong đó có nước giải khát có đường) là biện pháp quan trọng trong các giải pháp can thiệp được WHO khuyến nghị nhằm giảm tiêu thụ và tác hại của các sản phẩm này đối với sức khỏe cộng đồng vì một thế hệ khỏe mạnh ngày mai.
Số lượng quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường đã gia tăng nhanh chóng trong 15 năm qua, từ 35 quốc gia năm 2009 lên 104 quốc gia năm 2023, trong đó có 6 quốc gia tại Đông Nam Á.
Biện pháp áp thuế này mang lại đồng thời 3 lợi ích sức khỏe gồm: Cải thiện sức khỏe cộng đồng, tăng thu cho ngân sách nhà nước và giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất về năng suất lao động trong tương lai.
Nhiều bằng chứng thực tiễn trên thế giới cho thấy việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường đã làm giảm tỷ lệ mắc bệnh béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến thừa cân béo phì. Vì vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã mang lại lợi ích thiết thực đối với sức khỏe cộng đồng.
Tại Mexico, ước tính chính sách thuế giúp ngăn ngừa được 239.900 trường hợp béo phì (39% trong số đó là ở trẻ em) sau 2 năm thực hiện, tăng 55.300 năm sống khỏe mạnh, ngăn chặn 5.840 năm sống không khỏe mạnh trong 10 năm thực hiện chính sách thuế…
Nghiên cứu ở Thái Lan cũng cho thấy thuế sẽ làm giảm tỷ lệ thừa cân và béo phì với các mức 1,7%, 3,8% và 4,9% trong ba năm, tương ứng với việc thực hiện các mức thuế 11%, 20% và 25%.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của trường Đại học Y tế Công cộng năm 2022 cũng đã chỉ ra nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 20% trên giá bán lẻ đối với đồ uống có đường thì tỷ lệ thừa cân và béo phì có thể giảm lần lượt là 2,1% và 1,5%, phòng tránh được khoảng 80.000 ca đái tháo đường, từ đó tiết kiệm cho hệ thống y tế gần 800 tỷ đồng.
source: https://dantri.com.vn/suc-khoe/ke-thu-giau-mat-cua-benh-thua-can-beo-phi-20250303125036032.htm