Khoa học cảnh báo: Mất ngủ, dễ mắc 3 bệnh phổ biến này

Estimated read time 5 min read

Hình ảnh

Thiếu ngủ là kẻ thù âm thầm của hệ miễn dịch, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính (Ảnh: Getty).

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, nhưng trong xã hội hiện đại, nhiều người sẵn sàng hy sinh giấc ngủ để hoàn thành công việc hoặc tận hưởng những thú vui cá nhân.

Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học mới đây đã chỉ ra rằng chỉ cần 1 đêm mất ngủ cũng có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong hệ thống miễn dịch, góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, gồm: béo phì, tiểu đường và bệnh tim.

Trên thực tế, những tác động tiêu cực của việc thiếu ngủ mãn tính đã được nghiên cứu rộng rãi, bao gồm suy giảm nhận thức, thay đổi tâm trạng và nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch. Dù vậy, cơ chế cụ thể mà việc thiếu ngủ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch vẫn chưa được hiểu rõ.

Nhằm làm sáng tỏ vấn đề này, một nhóm nhà khoa học từ Viện Tiểu đường Dasman (Kuwait) đã tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của việc thiếu ngủ đối với tế bào miễn dịch, đặc biệt là bạch cầu đơn nhân – một loại tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch bẩm sinh.

Được biết, bạch cầu đơn nhân được chia thành ba loại: cổ điển, không cổ điển và trung gian. Trong đó, các tế bào không cổ điển đảm nhiệm nhiệm vụ tuần tra cơ thể và phản ứng với các tín hiệu viêm.

Nghiên cứu được tiến hành trên 276 người trưởng thành khỏe mạnh với chỉ số khối cơ thể (BMI) khác nhau. Những ứng viên trưởng thành, khỏe mạnh được yêu cầu thức trắng trong vòng 24 giờ.

Sau đó, nhóm nghiên cứu tiến hành so sánh mẫu máu thu thập trước và sau quá trình mất ngủ. Ngạc nhiên thay, chỉ sau một đêm thiếu ngủ, cấu trúc tế bào đơn nhân của họ đã thay đổi theo hướng tương tự như những người bị béo phì, làm tăng nguy cơ viêm mãn tính.

Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh một thực trạng đáng lo ngại trong xã hội hiện đại ngày nay, đó là giấc ngủ đôi khi bị bỏ quên.

Theo tác giả chính của nghiên cứu, TS Fatema Al-Rashed, nền văn minh hiện đại đang góp phần làm gián đoạn giấc ngủ của con người. Sự phát triển của công nghệ, việc sử dụng màn hình kéo dài và thay đổi chuẩn mực xã hội khiến con người ngày càng thức khuya hơn.

“Những phát hiện của chúng tôi cho thấy sự gián đoạn giấc ngủ không chỉ đơn thuần là vấn đề sinh hoạt cá nhân mà còn là một thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Sự gián đoạn này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực lâu dài đến hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể”, TS Al-Rashed cho biết.

Vị chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực này, chẳng hạn như thực hiện liệu pháp giấc ngủ có cấu trúc, hoặc hạn chế sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm.

Theo Al-Rashed, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe cộng đồng là cần thiết. Các chiến lược như cải cách nơi làm việc, giáo dục về thói quen ngủ lành mạnh có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến viêm mãn tính như béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch.

source: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/khoa-hoc-canh-bao-mat-ngu-de-mac-3-benh-pho-bien-nay-20250307143723093.htm

Bài viết liên quan

Cùng tác giả