Dù các lực lượng chức năng đã rất quyết liệt vào cuộc nhằm ngăn chặn triệt để những hành vi buôn lậu thuốc lá, song với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách, lợi dụng các kẽ hở để đưa mặt hàng này vào tiêu thụ trong thị trường nội địa vì mức siêu lợi nhuận. Do đó, đã đến lúc các cơ quan liên quan cần nhanh chóng rà soát, nghiên cứu, tìm giải pháp căn cơ ngăn chặn triệt để nạn buôn lậu thuốc lá qua biên giới; siết chặt quản lý, xử phạt thật mạnh tay với các hành vi vi phạm.
Cần có lộ trình tăng thuế thuốc lá hợp lý
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), mỗi năm các lực lượng chức năng cả nước bắt giữ hơn 10 nghìn vụ vi phạm, tịch thu hơn 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu. Nhưng nhìn chung, số vụ buôn lậu thuốc lá được phát hiện, bắt giữ thời gian qua được nhìn nhận chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế.
Báo cáo của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 100 tỷ điếu thuốc lá, trong đó khoảng 20% là thuốc lá nhập lậu. Chỉ tính riêng lực lượng Quản lý thị trường cả nước trong năm 2024 đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.000 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, xử phạt vi phạm hành chính 3,6 tỷ đồng, với trị giá hàng hóa vi phạm 6,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc xử lý chỉ mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ, chưa tận gốc nên sau một thời gian hoạt động, buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục tái diễn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng các hành vi buôn lậu thuốc lá, song lợi thế cạnh tranh về giá và mức siêu lợi nhuận vẫn là những yếu tố chính. Hơn nữa, ý thức của người tiêu dùng về tác hại của hàng lậu còn thấp, cộng với tâm lý “giá rẻ là tốt” càng khiến thị trường ngầm phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá điếu tăng lên 75% đã khiến giá bán lẻ thuốc lá tăng mạnh.
Cũng bởi vậy, buôn lậu thuốc lá trở thành hoạt động siêu lợi nhuận do “né” được 135% thuế nhập khẩu, 75% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng, 2% quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá. Do đó, các đối tượng luôn tìm mọi phương thức, thủ đoạn đưa thuốc lá lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó ngoài mức thuế tương đối đang áp dụng bằng 75% trên giá bán lẻ, từ năm 2026 thuốc lá sẽ chịu thêm mức thuế tuyệt đối tăng ở cả hai phương án là 2.000 hoặc 5.000 đồng/bao và tăng dần 1.000 hoặc 2.000 đồng/bao/năm, bảo đảm đạt 10 nghìn đồng/bao vào năm 2030.
Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Hồ Lê Nghĩa lo ngại, nếu tăng thuế quá cao sẽ gây “sốc” cho thị trường, dẫn tới tiêu thụ thuốc lá hợp pháp trong nước giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp thuốc lá tại Việt Nam, kéo theo các mục tiêu về tăng thu ngân sách, giảm tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam có thể sẽ khó đạt yêu cầu đề ra. Chưa kể đến, nguy cơ thất nghiệp đột ngột đối với hàng chục nghìn người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối thuốc lá cũng sẽ hiện hữu, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hàng trăm nghìn nông dân vùng trồng cây lá thuốc lá.
.webp
Lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra, thu giữ số lượng lớn các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại một cửa hàng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc tăng thuế còn có thể kích thích gia tăng các hành vi nhập lậu, bởi lợi nhuận từ thuốc lá nhập lậu rất cao, gấp nhiều lần so với thuốc lá hợp pháp. Thí dụ, do né được mọi loại thuế nên lợi nhuận thu được từ một bao thuốc lá hiệu Jet hay Hero nhập lậu khoảng 10-12.000 đồng/bao (giá bán lẻ 20-25.000 đồng/bao), cao gấp 3 đến 4 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc. Nếu không có những giải pháp căn cơ trong việc ngăn chặn thuốc lá nhập lậu, mà chỉ áp dụng tăng thuế sẽ khó đạt hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, vô hình trung còn kích thích các hành vi buôn lậu thuốc lá do khoảng cách chênh lệch thuế suất ngày càng lớn.
Chủ tịch PwC Việt Nam (công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) Đinh Thị Quỳnh Vân chia sẻ, tại nước Đức, trong giai đoạn năm 2002-2005, thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%. Khi đó, người tiêu dùng đã chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác, khiến lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34% và ngân sách nhà nước bị trì trệ. Đối với Malaysia, sau khi tăng thuế vào giai đoạn năm 2014-2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm tới 55% chỉ sau 5 năm. Song, thuốc lá lậu tăng mạnh và chiếm 65% thị phần vào năm 2020, gây thất thoát khoảng 1 tỷ USD tiền thuế.
Với Việt Nam, kịch bản trên cũng có thể xảy ra nếu thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá tăng quá nhanh. Theo tính toán của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá lậu đang gây thất thu cho ngân sách nhà nước 5.000-6.000 tỷ đồng/năm và nếu chúng ta không kiểm soát tốt thuốc lá nhập lậu, cũng như có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn vấn nạn này, ngân sách nhà nước có thể thiệt hại lên tới 40 nghìn tỷ đồng/năm vào năm 2030. Tất nhiên, việc tăng thuế không phải nguyên nhân duy nhất gia tăng nạn buôn lậu thuốc lá, nhưng nếu có lộ trình phù hợp sẽ giảm nguy cơ gia tăng việc buôn bán các sản phẩm thuốc lá bất hợp pháp và vẫn bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ sản phẩm này.
Việc buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử vẫn phổ biến
Mặc dù tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV vừa qua đã thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, có hiệu lực từ 1/1/2025 với mức xử phạt cao nhất lên tới 400 triệu đồng nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Song trên thực tế ghi của phóng viên cho thấy, dù các cửa hàng kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không còn bày bán công khai như trước đây, nhưng hoạt động mua bán sản phẩm trên vẫn rất sôi nổi trên các hội, nhóm mạng xã hội hoặc được bán lén lút tại nhà riêng.
Khi có nhu cầu mua, những tài khoản mạng xã hội của người bán sẽ hướng dẫn người mua inbox trực tiếp hoặc trao đổi qua số điện thoại hay zalo để giao dịch. Bên cạnh đó, thực tế đến nay cũng chưa có người dùng nào bị kiểm tra, xử lý vi phạm về các hành vi trên, hình ảnh người dùng vô tư sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại nơi công cộng vẫn diễn ra khá phổ biến.
.webp
Hình ảnh bày bán công khai các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá thế hệ mới nhập lậu tại khu phố Nana ở thủ đô Bangkok (Thái Lan).
Thực tế tại một số nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan đã ban hành lệnh cấm thuốc lá điện tử từ rất lâu nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiệu quả không như mong đợi khi tình trạng sử dụng và buôn bán trái phép vẫn tăng cao. Thái Lan là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực Đông Nam Á áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt thuốc lá nói chung và cấm các thiết bị thuốc lá điện tử nói riêng từ năm 2014. Nhưng đến nay sau hơn 10 năm thực thi, Thái Lan đang đối diện với tình trạng sử dụng và buôn lậu các sản phẩm này ngày càng gia tăng, mặc dù chính phủ nước này ban hành mức xử phạt rất cao, từ 500 nghìn baht Thái (hơn 300 triệu vnđ) đến 10 năm tù, hoặc vừa phạt tiền vừa phạt tù với hy vọng có thể ngăn chặn triệt để thuốc lá thế hệ mới.
Cùng với đó, theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng, dù Thái Lan tăng thuế thuốc lá 11 lần từ 1993 đến 2012 nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá lậu không giảm đáng kể ở một số khu vực. Các biện pháp này trên thực tế đã không giúp giảm số người dùng thuốc lá, dù mức xử phạt cao và có tính răn đe cao. Trong một chuyến công tác tại Thái Lan, phóng viên đã ghi nhận, giới trẻ và người dân Thái Lan vẫn vô tư sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử tại những nơi đông người như chưa hề có lệnh cấm. Đồng thời, việc buôn bán thuốc lá nhập lậu ngày càng tăng, công khai tại nhiều khu phố, chợ, điển hình tại khu phố Nana hay Asok ở Bangkok. Đáng nói, nguồn hàng lậu còn dồi dào đến nỗi thanh, thiếu niên Thái Lan có thể dễ dàng mua sỉ số lượng lớn để bán lẻ cho nhiều bạn bè xung quanh.
Theo chia sẻ của bà Liyana Othman, Giám đốc Vận động chiến dịch cấp cao thuộc Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN, số liệu ghi nhận từ các cơ quan chức năng, Quỹ hành động về thuốc lá và sức khỏe (ASHF) Thái Lan cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13-15 đã tăng hơn 5 lần, từ 3,3% năm 2015 (sau 1 năm áp dụng lệnh cấm) lên 17,6% vào năm 2023. Cùng với đó, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá nhập lậu ở Thái Lan đang ở mức cao nhất trong lịch sử là 25,4%, ảnh hưởng đến cả Đông Nam Á. Bài học từ Thái Lan cho thấy, chỉ cấm và tăng cường xử phạt không đủ để giải quyết tận gốc vấn đề. Chính sách cần đi đôi với thực thi hiệu quả, kiểm soát chuỗi cung ứng và thay đổi hành vi tiêu dùng. Quan trọng hơn, cần hợp lý hóa các chính sách thuế và quy định quản lý vì việc tăng thuế quá cao, nhưng không có một biện pháp kiểm soát tốt, vô hình chung có thể thúc đẩy hoạt động buôn lậu thuốc lá tăng mạnh do các sản phẩm hợp pháp có giá thành quá đắt đỏ.
.webp
Người dân Thái Lan vô tư sử dụng thuốc lá điện tử tại nơi công cộng, nơi ở ngay phía sau có biển cảnh báo cấm hút thuốc.
Do đó, Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các quốc gia láng giềng, có thể cử đại diện cấp cao từ cơ quan phòng chống buôn lậu tham gia vào nhóm làm việc này, đồng thời cần nâng cao sự phối hợp giữa các cơ quan phòng chống buôn lậu trong nước để tìm ra một giải pháp hiệu quả. Nhưng trước tiên, Việt Nam cần làm tốt công tác chống buôn lậu một cách tận gốc ngay từ biên giới. Như ở Singapore, đa phần thuốc lá nhập lậu đều đến từ Malaysia vì có chung đường biên giới. Nên giải pháp có thể là tăng cường giám sát chặt biên giới, kiểm soát môi trường mạng internet chặt chẽ hơn.
Để tìm một giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết vấn nạn buôn lậu thuốc lá, các lực lượng chức năng như: biên phòng, hải quan và công an, quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ hơn, tổ chức các đợt truy quét định kỳ và triệt phá các đầu mối lớn thay vì chỉ xử lý nhỏ lẻ. Ngoài ra, thay vì chỉ tăng thuế, nên cân nhắc điều chỉnh chính sách thuế hợp lý để thu hẹp khoảng cách giá, đồng thời hỗ trợ ngành sản xuất thuốc lá trong nước nâng cao chất lượng và giảm giá thành. Điều này không chỉ giúp cạnh tranh với hàng lậu mà còn bảo vệ nguồn thu ngân sách.
Rõ ràng, việc chống buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam không thể chỉ dựa vào các biện pháp hành chính hay xử phạt đơn thuần mà đòi hỏi một chiến lược toàn diện, từ kiểm soát nguồn cung, quản lý thị trường đến thay đổi hành vi tiêu dùng. Trong đó, cần nâng cao truyền thông, tập trung vào việc nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhập lậu lậu chứa các hóa chất không được kiểm soát có thể đến hậu quả về sức khỏe, pháp lý khi sử dụng. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và ý thức của người dân, tin rằng trong thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nguồn thu ngân sách nếu bắt đầu ngay hôm nay, với quyết tâm và sự đồng bộ cao nhất.
source: https://nhandan.vn/ngan-chan-hieu-qua-nan-buon-lau-thuoc-la-post863175.html